4 lý do không nên làm việc tại nhà
Sự phát triển của internet tạo ra khả năng kết nối rất cao. Chính điều này cũng làm tăng số lượng những công việc có thể làm tại nhà, hoặc khiến nhiều người càng nghĩ họ hoàn toàn có thể hoàn tất công việc khi không vào công ty.
Sự thoải mái về giờ giấc, tính riêng tư hay vài khoản tiết kiệm khi làm việc tại nhà là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tạp chí Forbes lại vạch ra những nhược điểm của lối suy nghĩ và cách làm việc này.
Theo đó, có 4 yếu tố khiến bạn phải suy nghĩ trước khi xin làm việc từ xa:
1. Sự cộng tác
Forbes lấy ví dụ việc một vận động viên luôn toàn diện hơn khi anh ta chơi nhiều môn thể thao khác nhau. Tương tự, khi làm việc với nhiều đối tác, cộng sự khác nhau, người đi làm cũng sẽ phát triển nhiều kỹ năng hơn. Gặp gỡ và cộng tác, chắc chắn sẽ được thực hiện tốt hơn nếu bạn đi làm ở công ty thay vì ngồi nhà.
Một nghiên cứu của công ty thiết kế trụ sở Gensler tại Mỹ cho kết quả, những người cộng tác nhiều, tiếp xúc nhiều trong công việc sẽ hiệu quả hơn và sáng tạo hơn.
2. Tiếp cận tài năng
Nếu làm việc tại nhà, bạn cùng lắm sẽ hoàn thành công việc được giao. Khi làm cùng đồng nghiệp và đối tác tại công ty, bạn có cơ hội học hỏi họ cũng như tránh lỗi họ đã mắc phải.
Sự cộng hưởng sức mạnh cũng là điểm giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn.
3. Tăng hiệu suất
Ngồi màn hình máy tính tại nhà, có chắc bạn sẽ không xao nhãng vào việc lướt Facebook, đọc báo, nghe nhạc... hay không? Và cũng không chắc bạn có thể nghĩ tới việc vào tủ lạnh lấy gì đó ăn trong lúc làm.
Những chuyện này sẽ làm mất thời gian, kìm hãm khả năng tập trung của bạn. Nếu ở công ty, sự hạn chế từ cấp trên hoặc những ánh nhìn của đồng nghiệp đã buộc bạn phải tập trung làm việc và nâng cao hiệu suất của mình.
4. Thăng tiến
Không ai sống và vươn lên đỉnh cao nếu thiếu mối quan hệ xung quanh. Forbes nhắc đến khái niệm “văn hóa công ty” cho thấy một người sẽ dễ thăng tiến hơn nếu anh ta thực sự hòa mình vào dòng chảy của công ty, là một phần của nó.
Đừng xem thường những giao tiếp, trao đổi công việc trực tiếp với đồng nghiệp cũng như những hoạt động chung của công ty ở giờ giải lao. Nếu không hòa vào những điều này, bạn tự khắc sẽ là thành phần đầu tiên bị thải loại.
Theo GIANG LANG - Doanh nhân Sài Gòn