Thứ Sáu, 15/11/2024 | 12:25 AM

Những rủi ro khi đi du lịch



Mùa hè cũng là mùa du lịch. Tuy nhiên, để chuyến du lịch được hoàn hảo, bạn cần nắm vài bí quyết ngăn chặn rủi ro có thể xảy ra trong suốt chuyến đi.

Những bất cẩn khi đi du lịch, hoặc trong sinh hoạt khiến bạn có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Hãy tham khảo những rủi ro sau để biết cách phòng chống.

Sứa
Để xua tan cái nóng của mùa hè, tắm biển là một giải pháp tuyệt vời, nhưng những con sứa dưới biển lại gây phiền phức cho bạn.  Các xúc tu của một con sứa chứa nọc độc có thể gây đau đớn, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của bạn nếu bị chúng chích. Nguyên nhân do bất cẩn khi xử lý sứa, hay bơi lội trong khu vực có sứa.  

Nọc độc sứa có thể gây ra những cơn đau dữ dội, sưng tấy, mẩn ngứa và có thể dẫn đến nôn mửa, co thắt cơ. Phản ứng nghiêm trọng hơn, có thể gây khó thở, hôn mê và tử vong. Nếu bị sứa chích, bạn hãy dùng giấm xoa vào vết chích để ngăn cản nọc độc lan ra những khu vực khác. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên nhờ sự can thiệp của các nhân viên y tế. 

Cá đuối gai độc
Cá đuối là một trong những sinh vật thụ động và ít khi tấn công. Phần lớn sự việc liên quan đến cá đuối xảy ra do người lặn và người bơi tình cờ dẫm lên chúng, gây cho chúng tự vệ và dùng nọc độc. Phần lớn cá đuối tấn công không quá nghiêm trọng, một số có thể gây chết người.  Khi lặn trong khu vực có cá đuối, cố đừng chạm chân bạn xuống đáy biển và tránh đe dọa loài sinh vật này. Sự tấn công của cá đuối đối với người rất hiếm nên bạn cũng không nên quá lo lắng.  

Vết muỗi đốt
Muỗi đốt không chỉ gây ngứa, nổi mẩn da mà còn có thể gây ra nhiễm trùng da, bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác. Để bảo vệ khỏi muỗi đốt, bạn nên xoa thuốc chống côn trùng, sử dụng màn khi ngủ, loại bỏ nước đọng trong sân, chum vại, nơi chúng đẻ trứng, và tiêu diệt loăng quăng…  

Ong đốt
Hầu hết các phản ứng khi bị ong đốt gây sưng nhẹ, đau và ngứa. Nhưng ở một số người, có những phản ứng nghiêm trọng xảy ra như phát ban, sưng miệng, cổ họng hoặc khó thở.  

Khi bị ong đốt, bạn cần loại bỏ ngòi, làm sạch các vết chích, chườm đá, uống histamin để hạn chế ngứa. Nếu bạn chậm trễ trong việc loại bỏ ngòi sẽ làm tăng số lượng nọc độc trong cơ thể.

Ngoài ra, dùng củ, lá môn chà xát tại chỗ. Nếu bị ong vàng (ong nghệ) đốt, dùng đường đen hay giấm chua thoa ngay lên vết thương. Dùng bã trà còn ướt, bất kể nhiều hay ít, chà xát tại chỗ để giúp giảm đau. Bạn cũng có thể lấy rau sam hay lá hẹ giã nhuyễn đắp tại chỗ, hoặc gừng tươi cắt lát chà xát vết thương. Đối với giống ong có độc thì lấy rau dền vò nát, xát vào vết đốt.

Nguy hiểm khi đi dép có quai
Mùa hè, những đôi dép này tạo sự thoải mái và thời trang, nhưng lại ít nhiều ẩn chứa những rủi ro nếu bạn bất cẩn đá phải góc tường, cánh cửa..., bị đâm thủng do đinh hoặc bị vật nặng đập vào chân. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp nguy hiểm do côn trùng và rắn. Nếu có thể, hãy đi giày có mũi để bảo vệ chân tốt hơn.  

Rắn cắn
Vài phút sau khi bị rắn cắn, các đốt, khớp khu vực bị cắn sẽ rất đau, sưng đỏ lây lan từ vết cắn. Nghiêm trọng hơn, nó còn gây khó thở và thay đổi nhịp tim, có thể dẫn tới tử vong nếu không điều trị kịp thời. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng nọc độc được đưa vào cơ thể, vị trí cắn, tuổi tác, sức khỏe của người bị cắn và cả loại rắn.  Khi bị rắn độc cắn, phải tiến hành cấp cứu ngay bằng cách buộc ga-rô tĩnh mạch phía trên vết cắn khoảng 3-4 cm. Chú ý ga-rô sao cho ngăn được máu tĩnh mạch chảy về tim, nhưng không cản trở lưu thông máu động mạch, tức là vẫn bắt mạch được ở đoạn chi phía dưới. Nạn nhân cần được ủ ấm toàn thân, chườm lạnh chỗ bị rắn cắn, cho uống nhiều nước chè đường hoặc nước chanh, nước râu ngô. Cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện để được xử trí.  
 
Cháy nắng
Tiếp xúc quá nhiều với tia UV từ ánh nắng mặt trời có thể khiến da của bạn bị tấy đỏ và cháy nắng. Những người bị cháy nắng, da thường tấy đỏ khoảng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Phải mất vài tuần để những vết này mới mất hoàn toàn. Nghiêm trọng hơn, những chỗ bị cháy nắng có thể bị tấy đỏ, sưng phồng, thường đau đớn, mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.  Nếu bạn bị cháy nắng, nên bôi kem dưỡng ẩm để giảm bớt sự khó chịu, đi khám bác sĩ nếu chỗ cháy nắng bị phồng rộp. Ngoài ra, để ngăn ngừa cháy nắng, bạn cần sử dụng kem chống nắng có SPF 30 hoặc cao hơn khi ở ngoài trời.

Theo http://vungtaucity.vn
[1]23  
To Top