Gỏi măng cụt - Món ăn quê lên bàn tiệc
Mùa hè là mùa của các loại trái cây, trong đó có nhiều loại có thể kết hợp với những món ăn mặn tạo thành những món ăn vừa tốt cho sức khoẻ, vừa giúp giải nhiệt vào mùa nắng nóng.
Tham dự hội thi Chiếc thìa vàng mùa thứ hai năm nay khách sạn Rex xin được giới thiệu đến các bạn món “GỎI MĂNG CỤT” một món ăn đặc sản của miệt vườn Thuận An.
Nguyên liệu của món ăn này gồm có:
- Măng cụt: 16 trá
- Hành tây: 0,2 kg
- Mực tươi: 0,2 kg
- Rau răm: 0,05 kg
- Chanh, tỏi, ớt, đường, nước mắm
- Bánh tráng hoặc bánh phồng tôm ăn kèm
Trong đó, lưu ý chọn những trái măng cụt còn sống (vỏ còn xanh nhưng phần cơm (ruột) đã chín tới, cơm măng vừa giòn vừa ngọt, vừa có độ chua vừa phải).
Cách chế biến như sau:
- Măng cụt được gọt sạch vỏ và rửa sạch mủ. “Việc gọt vỏ măng cũng thể hiện “nghệ thuật” của người chế biến do vỏ măng chưa chín (lúc chín chuyển sang màu tím đậm) thì việc gọt rất khó do mủ măng còn nhiều, gọt măng làm sao vừa nhanh để măng không bị thâm và không phạm vào phần cơm măng, đó chính là “bí quyết”, “nghệ thuật” và “kinh nghiệm” của người chế biến”.
- Sau khi gọt vỏ, lấy phần cơm măng thái mỏng, ngâm nước, vớt ra để ráo.
- Mực nang tươi làm sạch thái chỉ trần qua nước sôi. Hành tây thái mỏng, rau răm rửa sạch thái nhỏ.
- Trộn hỗn hợp trên với nước mắm, chanh, tỏi ớt, đường nêm vừa ăn là được.
Ăn kèm với gỏi măng cụt là nước mắm tỏi ớt, bánh tráng (bánh đa) nướng hoặc bánh phồng tôm chắc chắn sẽ là món khai vị khó quên cho thực khách.
So với các món gỏi truyền thống của Việt Nam như gỏi ngó sen, gỏi bắp chuối… thì gỏi măng cụt có những đặc trưng riêng, mùi vị riêng và cách chế biến riêng. Điều này thể hiện sự tinh túy trong chế biến món ăn của người Việt, tận dụng hết những gì thiên nhiên và đất mẹ ban tặng.
Gỏi măng cụt với cơm măng giòn, ngọt kết hợp với vị ngọt của mực, vị cay thanh của rau răm, vị cay nồng của nước mắm tỏi ớt sẽ thấm vào đầu lưỡi và âm thanh giòn tan của đậu phộng, bánh tráng sẽ tạo cho người dùng một cảm giác ngon khó tả và khi thưởng thức dường như hình ảnh thanh bình của vùng quê, về nơi “chôn nhau cắt rốn” và nơi ta sinh ra và lớn lên được tái hiện.